12 THÁNG TUỔI – KHUYẾN CÁO LIỀU ĐẦU VẮC XIN PHÒNG NGỪA THỦY ĐẬU CỦA CÁC TỔ CHỨC Y TẾ

Tổng quan về chương trình tiêm phòng thủy đậu của các quốc gia trên thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) đã khuyến nghị nên đưa vắc xin phòng ngừa thủy đậu vào chương trình tiêm chủng quốc gia ở những quốc gia có gánh nặng bệnh tật cao và có đủ nguồn lực để đảm bảo độ bao phủ của vắc xin có thể đạt và duy trì ở mức ≥ 80%1. Vào năm 2021, theo báo cáo của WHO, vắc xin phòng ngừa thủy đậu đã được đưa vào chương trình tiêm chủng ở 42 quốc gia2. Tỷ lệ các quốc gia đưa vắc xin thủy đậu vào chương trình tiêm chủng quốc gia ở 6 khu vực của WHO được thể hiện trong hình 1.

Hình 1. Tỷ lệ các quốc gia có chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu phân chia theo 6 khu vực của WHO vắc xintính đến năm 2021

Mặc dù có nhiều điểm khác biệt về chương trình tiêm chủng giữa các quốc gia trên thế giới về số liều vắc xin, loại vắc xin sử dụng và khoảng cách liều. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia này đều đưa ra khuyến cáo nên tiêm liều đầu vắc xin phòng ngừa thủy đậu cho trẻ ≥ 12 tháng tuổi3, 4. Thông tin tóm tắt của chương trình tiêm phòng thủy đậu của một số quốc gia trên thế giới được trình bày trong bảng 2.

Bảng 2. Các Quốc gia có chương trình tiêm chủng thủy đậu toàn dân

Khuyến cáo tiêm phòng thủy đậu của một số tổ chức y tế

Khuyến cáo của WHO

WHO khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu liều đầu tiên cho trẻ 12 – 18 tháng tuổi. Tùy thuộc vào chương trình tiêm chủng của mỗi quốc gia, 1 – 2 liều vắc xin thủy đậu có thể được khuyến cáo. Nên tuân thủ khoảng cách giữa các liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất (4 tuần – 3 tháng).

Những quốc gia có tuổi trung bình nhiễm thủy đậu cao (≥ 15 tuổi) được khuyến cáo nên lựa chọn chiến lược tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu thay thế chẳng hạn như tiêm vắc xin cho trẻ vị thành niên và người lớn chưa không có bằng chứng miễn dịch với vi rút varicella zoster. Chiến lược vắc xin thay thế này cần được tiến hành với 2 mũi tiêm.

Vắc xin phòng ngừa thủy đậu bị chống chỉ định ở phụ nữ mang thai. Nếu vô tình tiêm vắc xin trong khi mang thai thì không cần phải chủ động kết thúc thai kỳ.

Vắc xin phòng ngừa thủy đậu có thể được tiêm cùng lúc với những vắc xin khác. Nếu không tiêm phối hợp với những vắc xin sống giảm động lực khác như sởi, quai bị và rubella, khoảng cách giữa các liều vắc xin được quy định là 28 ngày.

Vắc xin phòng ngừa thủy đậu nên được cân nhắc ở cả những nhân viên y tế làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm (tiêm đủ 2 liều)1.

Khuyến cáo của các quốc gia ở Châu Mỹ

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đưa vắc xin phòng ngừa thủy đậu vào chương trình tiêm chủng quốc gia kể từ năm 1995. Hai loại vắc xin sống giảm độc lực được cấp phép lưu hành ở Hoa Kỳ để phòng ngừa thủy đậu bao gồm vắc xin đơn giá và vắc xin phòng ngừa phối hợp thủy đậu – sởi – quai bị – rubella (measles – mumps – rubella – varicella – MMRV). Cả 2 loại vắc xin đều có nguồn gốc từ chủng Oka. Vắc xin phòng ngừa thủy đậu đơn giá được cấp phép lưu hành từ năm 1995, còn vắc xin MMRV được cấp phép lưu hành từ năm 2005 [5]. CDC Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêm mũi vắc xin phòng ngừa thủy đậu đầu tiên cho trẻ 12 – 15 tháng tuổi5.

Canada cấp giấy phép lưu hành cho vắc xin phòng ngừa thủy đậu vào năm 1998. Kể từ năm 2000, 13 khu vực ở Canada đưa vắc xin phòng ngừa thủy đậu vào chương trình tiêm chủng cho trẻ em 12 – 15 tháng tuổi6.

Vào năm 2016, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Trẻ em Mỹ Latin khuyến cáo nên đưa vắc xin phòng ngừa thủy đậu vào chương trình tiêm chủng ở các quốc gia khu vực Mỹ Latin và Caribbean. Tính đến năm 2021, có 15 quốc gia đã thực hiện chiến lược này cho trẻ từ 12 tháng tuổi [6].

Tiêm phòng thủy đậu ở các quốc gia Châu Âu

Vắc xin phòng ngừa thủy đậu đơn trị và phối hợp (MMRV) đã được sử dụng tại 28 quốc gia Châu Âu. Tính đến năm 2021, vắc xin phòng ngừa thủy đậu đã được khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng quốc gia ở 14 quốc gia tại Châu Âu chẳng hạn như Áo, Andorra, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Italia, Lativa, Luxembourg, Tây Ban Nha…6, 7.

Khuyến cáo của Italia

Vắc xin phòng ngừa thủy đậu được đưa vào chương trình tiêm chủng cho toàn bộ trẻ em ở Italia vào năm 2017. Cụ thể, liều vắc xin phòng ngừa thủy đậu đầu tiên được khuyến cáo cho trẻ từ 12 – 15 tháng tuổi8.

Khuyến cáo của Hy Lạp

Chế độ tiêm phòng thủy đậu đơn liều được bắt đầu ở Hy Lạp vào năm 2004. Cho đến năm 2006, chế độ này được áp dụng vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Chế độ tiêm phòng thủy đậu của Hy Lạp tiếp tục có sự thay đổi vào năm 2009 khi tăng từ 1 liều thành 2 liều vắc xin. Liều đầu tiên được khuyến cáo cho trẻ 12 – 15 tháng tuổi9.

Khuyến cáo của Luxembourg

Vào năm 2003, chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu chỉ được áp dụng cho một số nhóm đối tượng ở Luxembourg. Vắc xin thủy đậu phối hợp (MMRV) được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia vào năm 2009. Liều đầu tiên được khuyến cáo cho trẻ 12 tháng tuổi9.

Khuyến cáo của các quốc gia vùng Châu Á – Thái Bình Dương

Vắc xin phòng ngừa thủy đậu đã được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia của một số nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đài Loan là quốc gia đầu tiên đưa vắc xin phòng ngừa thủy đậu vào chương trình tiêm chủng quốc gia vào năm 2004, tiếp đó là Australia và Hàn Quốc vào năm 2005. Mặc dù Nhật Bản là nơi vắc xin phòng ngừa thủy đậu được nghiên cứu và phát triển, tuy nhiên, mãi đến năm 2014, Nhật Bản mới đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Các quốc gia ở Châu Á đều khuyến cáo nên tiêm liều vắc xin phòng ngừa thủy đậu đầu tiên cho trẻ ≥ 12 tháng tuổi, cụ thể 6, 10:

  • Đài Loan khuyến cáo chế độ tiêm phòng thủy đậu với 1 liều vắc xin cho trẻ 12 – 18 tháng tuổi
  • Hàn Quốc khuyến cáo chế độ tiêm phòng thủy đậu với 1 liều vắc xin cho trẻ 12 – 15 tháng tuổi
  • New Zealand khuyến cáo chế độ tiêm phòng thủy đậu với 1 liều vắc xin cho trẻ 18 tháng tuổi.
  • Bộ Y tế Australia khuyến cáo nên tiêm phòng thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng – < 4 tuổi 11. Ngoài ra, nếu trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa thủy đậu đầu tiên khi chưa đủ 12 tháng tuổi thì nên được tiêm liều nhắc lại khi được 18 tháng tuổi12.
  • Nhật Bản khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu mũi 1 cho trẻ ≥ 12 tháng tuổi10
  • Hồng Kông khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu mũi 1 cho trẻ 12 tháng tuổi 10

Bằng chứng về lợi ích của vắc xin phòng ngừa thủy đậu

Kể từ khi được nghiên cứu và phát triển vào năm 1974, hiệu quả của vắc xin thủy đậu đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Vắc xin thủy đậu đã cho thấy khả năng phòng ngừa bệnh tật hiệu quả, khi làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc trong cộng đồng ở các quốc gia đưa vắc xin thủy đậu vào chương trình chủng ngừa quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ với số ca nhiễm giảm 90%13, Đức giảm 84%14 và Đài Loan giảm 82.3%15. Tiêm vắc xin phòng ngừa cũng làm giảm tỷ lệ nhập viện do thủy đậu. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, nhờ áp dụng chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ nhập viện do thủy đậu nhìn chung đã giảm đi đáng kể ở mọi lứa tuổi (90% vào giai đoạn 2018 – 2019), trong đó, tỷ lệ này giảm mạnh mẽ nhất ở nhóm trẻ em 1 – 4 tuổi (93%)16. Ở Đài Loan, trong suốt 11 năm theo dõi kể từ khi áp dụng chương trình tiêm phòng thủy đậu quốc gia, tỷ lệ nhập viện do thủy đậu chỉ là 0.024%14. Ngoài những hiệu quả trên, vắc xin phòng ngừa thủy đậu còn có thể làm giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh lý này. Nhờ áp dụng chương trình chủng ngừa quốc gia, tỷ lệ tử vong do thủy đậu ở Hoa Kỳ đã giảm 94% tính đến giai đoạn 2012 – 201616.

Không chỉ mang lại hiệu quả về mặt lâm sàng, vắc xin thủy đậu còn mang đến hiệu quả về mặt kinh tế. Nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của vắc xin thủy đậu đã được tiến hành ở các quốc gia áp dụng chương trình tiêm chủng mở rộng. Các nghiên cứu này đều cho ra một kết quả đồng thuận là vắc xin thủy đậu làm giảm bớt gánh nặng kinh tế về mặt xã hội và y tế 17 – 23.

Bàn luận

Cho đến nay, đã có rất nhiều bằng chứng ủng hộ hiệu quả về mặt lâm sàng và kinh tế của vắc xin thủy đậu. Số lượng quốc gia đưa vắc xin thủy đậu vào chương trình tiêm chủng quốc gia cũng tăng lên nhanh chóng (từ 16 quốc gia vào năm 2011 đến 42 quốc gia tính đến năm 2021)2. Khuyến cáo về việc tiêm phòng thủy đậu giữa các quốc gia chưa có sự đồng thuận về số liều cũng như khoảng cách liều, tuy nhiên hầu hết các quốc gia đều khuyến cáo tiêm mũi vắc xin phòng ngừa thủy đậu đầu tiên cho trẻ ≥ 12 tháng tuổi.

Tài liệu tham khảo

  1. Summary of WHO Position Papers – Recommendations for Routine Immunization. World Health Organization. Accessed date 13 Jan 2023. URL: https://cdn.who.int/media/docs/default-source/immunization/immunization_schedules/immunization-routine-tablepdf?sfvrsn=c7de0e97_9&download=true
  2. Immunization data. Introduction of Varicella vaccine. World Health Organization. Accessed date 13 Jan 2023. URL: https://immunizationdata.who.int/pages/vaccine-intro-by-antigen/varicella.html?ISO_3_CODE=&YEAR=
  3. Varela FH, Pinto LA, Scotta MC. Global impact of varicella vaccination programs. Hum Vaccin Immunother. 2019;15(3):645-657. doi: 10.1080/21645515.2018.1546525.
  4. Ahern, S, Walsh, KA, Paone, S, et al. Clinical efficacy and effectiveness of alternative varicella vaccination strategies: an overview of reviews. Rev Med Virol. 2022;e2407. doi: 10.1002/rmv.2407
  5. Varicella Vaccine Recommendations. Centers for Disease Control and Prevention. Accessed date 13 Jan 2022. URL: https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/varicella/hcp/recommendations.html#vacc-dosage
  6. Lee YH, Choe YJ, Lee J, Kim E, Lee JY, Hong K, Yoon Y, Kim YK. Global varicella vaccination programs. Clin Exp Pediatr. 2022 Dec;65(12):555-562. DOI: 10.3345/cep.2021.01564.
  7. Spoulou V, Alain S, Gabutti G e al. Implementing Universal Varicella Vaccination in Europe: The Path Forward. Pediatr Infect Dis J. 2019;38(2):181-188. doi: 10.1097/INF.0000000000002233.
  8. Ministro della Salute. Le novità del decreto legge sui vaccini. 2017.
  9. ECDC GUIDANCE: Varicella vaccination in the European Union. ECDC. Accessd date 13 Jan 2023. URL: https://www.ecdc.europa.eu/sites/default/files/media/en/publications/Publications/Varicella-Guidance-2015.pdf
  10. oh AEN, Choi EH, Chokephaibulkit K, Choudhury J et al. Burden of varicella in the Asia-Pacific region: a systematic literature review. Expert Rev Vaccines. 2019;18(5):475-493. doi: 1080/14760584.2019.1594781.
  11. Vaccine preventable diseases. Measles. Department of Health and Aged Care. Updated 19 May 2022. Accessed 10 Jan 2023. URL: https://immunisationhandbook.health.gov.au/contents/vaccine-preventable-diseases/measles#
  12. Catch-up vaccination. Department of Health and Aged Care. Updated 07 Dec 2022. Accessed date 10 Jan 2023. URL: https://immunisationhandbook.health.gov.au/contents/catch-up-vaccination
  13. Dalya Guris, Aisha O. Jumaan, Laurene Mascola et al. Changing Varicella Epidemiology in Active Surveillance Sites—United States, 1995–2005. The Journal of Infectious Diseases. 2008;197(2):S71-S75. DOI: 10.1086/522156
  14. Andrea SOC- Impact of universal varicella vaccination in Germany. Archives of Disease in Childhood . 2017;102:A5-A6.
  15. Cheng, HY., Chang, LY., Lu, CY. et al. Epidemiology of Breakthrough Varicella after the Implementation of a Universal Varicella Vaccination Program in Taiwan, 2004–2014. Sci Rep. 2018;17192(8). doi: 10.1038/s41598-018-35451-y
  16. Marin M, Lopez AS, Melgar M et al. Decline in Severe Varicella Disease During the United States Varicella Vaccination Program: Hospitalizations and Deaths, 1990-2019. J Infect Dis. 2022;226(Suppl 4):S407-S415. doi: 10.1093/infdis/jiac242.
  17. Beutels P, Clara R, Tormans G, et al. Costs and benefits of routine varicella vaccination in German children. J Infect Dis. 1996;174 Suppl 3:S335-41. doi: 10.1093/infdis/174.supplement_3.s335.
  18. Bonanni P, Boccalini S, Bechini A, Banz K. Economic evaluation of varicella vaccination in Italian children and adolescents according to different intervention strategies: the burden of uncomplicated hospitalised cases. Vaccine. 2008;26(44):5619-26. doi: 10.1016/j.vaccine.2008.07.096.
  19. Coudeville L, Paree F, Lebrun T, Sailly J. The value of varicella vaccination in healthy children: cost-benefit analysis of the situation in France. Vaccine. 1999;17(2):142-51. doi: 10.1016/s0264-410x(98)00161-3.
  20. Díez Domingo J, Ridao M, Latour J, Ballester A, Morant A. A cost benefit analysis of routine varicella vaccination in Spain. Vaccine. 1999;17(11-12):1306-11. doi: 10.1016/s0264-410x(98)00394-6.
  21. Thiry N, Beutels P, Tancredi F et al. An economic evaluation of varicella vaccination in Italian adolescents. Vaccine. 2004;22(27-28):3546-62. doi: 10.1016/j.vaccine.2004.03.043.
  22. Scuffham PA, Lowin AV, Burgess MA. The cost-effectiveness of varicella vaccine programs for Australia. Vaccine. 1999;18(5-6):407-15. doi: 10.1016/s0264-410x(99)00261-3.
  23. Valentim J, Sartori AM, de Soarez PC et al. Cost-effectiveness analysis of universal childhood vaccination against varicella in Brazil. Vaccine. 2008;26:6281–6291. doi: 10.1016/j.vaccine.2008.07.021.

VN-VVX-00645 03042025

——————————————-

📌 TRUNG TÂM TIÊM CHỦNG VẮC XIN ĐỒNG TÂM

✅ Chuyên cung cấp đầy đủ các gói tiêm chủng cho trẻ em và người lớn.

✅ Luôn hỗ trợ cung cấp đủ vắc xin đúng chủng loại và đúng thời gian, đảm bảo bé không bị trễ lịch tiêm.

✅ Đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản về kiến thức và thực hành an toàn tiêm chủng. 

✅ Lợi thế kết hợp phòng khám, đảm bảo cấp cứu kịp thời các trường hợp không mong muốn sau tiêm như sốc phản vệ, dị ứng thuốc,…

✅ Khi đăng kí tiêm chủng, bé sẽ được miễn phí khám sàng lọc và tư vấn kĩ càng trước tiêm.

🏥 Đ/c: 1004-1006 Phạm Hùng, Phường Long Toàn, Thành Phố Bà Rịa

☎️ Tư vấn khám bệnh: 0254 3822 728 – 0901 650 868

☎️ Tư vấn tiêm chủng: 0254 3741 999 – 0902 830 011

 

Bài viết liên quan